Print this page
10
Tháng 4

SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” NHỮNG VẤN ĐỀ NÓNG BỎNG TÍNH THỜI SỰ Featured

Tháng 10-1947, trong căn lán nhỏ giữa núi rừng ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên năm 1948. Từ đó đến nay, đã 70 năm nhưng Sửa đổi lối làm việc vẫn là văn kiện quan trọng, còn nguyên giá trị và tính thời sự về xây dựng Đảng, nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng, tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo của cán bộ cách mạng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ra đời cách đây đã 70 năm, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nóng bỏng tính thời sự. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm không chỉ cho thấy những dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt của Người mà đó còn là những cơ sở, gợi ý bổ ích về phương pháp luận cho chúng ta trong việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng lãng phí hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên mà giữa lúc nước sôi, lửa bỏng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian, tâm sức cho ra đời tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Những gì thể hiện trong tác phẩm quan trọng này đã nói lên phương pháp tư duy sáng suốt của Người về thực tiễn cuộc cách mạng lúc đó để từ đó chỉ ra những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng.

Sửa đổi lối làm việc gồm 6 phần chính: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo và Chống thói ba hoa. Tác phẩm bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên.

1. Tiếp nối tinh thần trong các bài nói, bài viết sau ngày nước nhà giành được độc lập, Sửa đổi lối làm việc của Bác thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền với ba chứng bệnh rất nguy hiểm: Thứ nhất là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; thứ hai là khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; thứ ba là khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Tự phê bình và phê bình là nội dung xuyên suốt trong các tác phẩm. Người đặt yêu cầu phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng” để giữ vững “tư cách của đảng chân chính cách mạng”. Người khái quát tư cách của Đảng trong 12 điều cụ thể, phản ánh một cách cơ bản, dễ hiểu về bản chất, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, các yêu cầu cơ bản của Đảng. Người khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo đó, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích khác”. Nguyên tắc của Đảng là xuất phát từ quần chúng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng. Đảng phải chọn lọc những người trung thành, loại bỏ những kẻ “hủ hóa”, giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới, đoàn kết chặt chẽ. Người nhấn mạnh: “Đảng không che dấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”.

2. Sửa đổi lối làm việc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến xây dựng Đảng về đạo đức trên cả hai phương diện: Tổ chức Đảng và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên. Theo Người “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của cá nhân lại sau”. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng, là vấn đề cốt lõi của đạo đức, nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Nói về trách nhiệm của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ba điểm chính: Trọng lợi ích của Đảng hơn hết; rèn luyện đạo đức theo 5 tính tốt, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm và giữ kỷ luật. Người yêu cầu đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Do không rèn luyện tốt, không thực hiện được “chí công vô tư”, nên cán bộ, đảng viên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như: Tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, địa phương, kéo bè, kéo cánh… Đối với mỗi thứ bệnh mà người cán bộ, đảng viên mắc phải đều rất có hại, ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ cách mạng, đến tư cách cán bộ, đến niềm tin của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc sửa các khuyết điểm không khó, nếu có quyết tâm, nếu mỗi cán bộ, đảng viên “thật thà” “tự xét” mình và “xét đồng chí mình”, “thấy rõ những bệnh ấy” thì sẽ tìm cách chữa và chữa được.

Sửa đối lối làm việc cũng phê phán căn bệnh “kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông” là nguyên nhân gây ra căn bệnh chủ quan. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận. Sửa đổi lối làm việc đã góp phần xốc lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm, đồng thời phát huy các ưu điểm để Đảng ngày càng phát triển, sự nghiệp cách mạng ngày càng thành công.

3. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra và giải quyết một cách khoa học vấn đề công tác cán bộ của Đảng, Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người nêu lên năm điểm chính trong chính sách cán bộ là: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ. Đối với từng yêu cầu, Người chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, tác hại của những khuyết điểm đó và đưa ra giải pháp khắc phục. Người chỉ ra khuyết điểm thường thấy là ham dùng người thân quen, thích nịnh, tránh người không hợp tính. Những khuyết điểm ấy sẽ để lại hậu quả nặng nề, vì vậy phải sửa bằng cách: “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “khiến cho cán bộ có gan phụ trách” và “phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”.

Đối với công tác huấn luyện cán bộ, Người nhấn mạnh: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người chỉ ra bốn phương diện cần huấn luyện cho cán bộ: Nghề nghiệp, chính trị, văn hóa và lý luận. Huấn luyện nghề nghiệp bao gồm: Điều tra, Nghiên cứu, Kinh nghiệm, Lịch sử và Khoa học. Huấn luyện chính trị tức là giáo dục về thời sự và chính sách, nâng cao nhận thức chính trị - xã hội. Huấn luyện văn hóa tức là giáo dục nâng cao trình độ kiến thức phổ thông, trình độ hiểu biết. Huấn luyện lý luận tức là giáo dục nhận thức về nền tảng tư tưởng, về kinh nghiệm cách mạng các nước để vận dụng ngay vào thực tế, giải quyết các nhiệm vụ cách mạng. Về bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải biết rõ cán bộ, cất nhắc một cách đúng đắn, khéo dùng cán bộ theo năng lực, bố trí cán bộ hợp lý, giúp đỡ, động viên và bảo vệ cán bộ.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành toàn bộ mục thứ 5 của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc để trình bày về nội dung, phương pháp, phong cách và các kỹ năng lãnh đạo. Theo Người, lãnh đạo có ba khâu: Quyết định mọi vấn đề cho đúng; tổ chức sự thi hành cho đúng; kiểm soát cho đúng. Lãnh đạo đúng nghĩa là thực hiện đúng cả ba khâu công việc đó. Để quyết định đúng và tổ chức thi hành đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, bàn bạc với nhân dân, đúc kết thành đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện. Người đặc biệt coi trọng vai trò của công tác kiểm tra, giám sát. Trong Sửa đổi lối làm việc, Người nhấn mạnh, phải khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Qua kiểm soát mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; và mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hai cách thức lãnh đạo căn bản mang lại hiệu quả cao: “Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”. Đó là sự kết hợp đúng đắn giữa đường lối, chính sách chung với tình hình cụ thể, giữa cái chung và cái riêng; giữa vai trò của cán bộ lãnh đạo và vai trò của quần chúng nhân dân.

5. Về chống thói ba hoa, tức là sửa đổi cách nói, cách viết, Bác chỉ ra những điều cần tránh: Dài dòng, rỗng tuếch, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, cẩu thả, “sáo cũ”. Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại. Người chỉ ra những cách thức hiệu quả để cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đồng thời nêu những cách làm việc, công tác một cách khoa học. Người cho rằng, phong cách làm việc khoa học nhất, hiệu quả nhất chính là dân chủ, gắn bó mật thiết với quần chúng. Đảng phải giữ chặt mối liên hệ với quần chúng, lắng nghe ý kiến của dân chúng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng 88 năm qua, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không ngăn chặn, đẩy lùi sẽ là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

6. Trong sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Coi công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về nguy cơ, thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII của Đảng đều nêu rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Vì vậy, cả hai Nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gắn liền với hai Nghị quyết này là phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hai Nghị quyết đều có cùng quan điểm chỉ đạo: Kết hợp giữa “xây” và “chống”. “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài. “Chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Có nghĩa là, vừa phải tập trung sức vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vừa phải đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo Bác.

“Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, phục vụ nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII của Đảng đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm thực sự không có “vùng cấm” đang góp phần tạo nên bước chuyển biến mới tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII ra đời từ yêu cầu của thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng và đề ra những nhóm giải pháp cấp bách phù hợp, là sự tiếp nối “Sửa đổi lối làm việc” phù hợp với tình hình hiện nay.

Trích đăng từ bài viết “Sửa đổi lối làm việc” – Những vấn đề nóng bỏng tính thời sự đăng trên tạp chí Nhân Quyền số 2 - 2018.

 

 
 

Duyệt đăng trên các Website của Quận

TRƯỞNG BAN

 

 

 

 

Đặng Tấn Tuyên

 

 

 

 

 

Chia sẽ bài viết lên mạng xã hội

Read 1680 times Last modified on Tuesday, 05 May 2020 16:58

Bài viết cùng chuyên mục